Hiển thị các bài đăng có nhãn ON GOI - DONG TUHiển thị tất cả


Mình ngồi đối diện với một ông bạn vô thần. Ở giữa hai người là hai tách cà phê nóng và một gói thuốc Con Mèo. Cà phê là chồng. Thuốc lá là vợ. Cà phê thì đắng. Thuốc lá thì cay. Cả hai “vợ chồng” tạo ra cảm giác say say và làm cho hai ông bạn “vô-hữu” quấn lấy nhau, dìu nhau vào chuyện đạo, lôi nhau vào chuyện đời, nói mãi không thôi… Bỗng ông bạn vô thần thoọc mình một cái.
– Bộ anh không có vợ thiệt hả?
– Bộ anh không tin thiệt hả?
– Không có vợ thì chịu sao nổi?
– Không nổi thì chìm. Chìm thì chết. Nếu không dám chết, thì phải ráng mà nổi.
a
– Phải công nhận là các anh tu luyện hay thiệt. Ủa… mà sao trong đạo của anh không có nữ linh mục? Như vậy thì có kỳ thị nữ giới, có phân biệt đối xử không?
– Đạo tôi không kỳ thị nữ giới, nhưng có phân biệt đối xử và chủ trương phải phân biệt để đối xử hợp tình và đúng lý.
– Anh nói gì mà kỳ vậy?
– Thủng thẳng. Uống cà phê và “phì phà” đi, vì chuyện đàn bà đàn ông là chuyện của thế giới, là chuyện của loài người. Mà lịch sử loài người thì dài như vô tận.
* Trước hết, đạo của tôi không kỳ thị nữ giới. Bằng chứng là ông Ađam (người đàn ông đầu tiên) khi thấy Eva (người đàn bà đầu tiên) liền tuyên ngôn như xuất thần rằng: “Đây là xương của tôi, đây là thịt của tôi”. Rồi ông còn tuyên bố y như Quốc Hội công bố luật gia đình rằng: “Từ nay, người nam sẽ giã từ cha mẹ để kết hợp với người nữ. Cả hai chỉ còn là một xương một thịt”. Đức Giêsu khẳng định ý kiến ấy của Ađam là ý trời: “Điều gì Thiên Chúa nối kết, loài người không được phân ly”. Tương quan giữa nam và nữ là thế, thì tuyệt vời rồi. Nếu có kỳ thị nam giới hay nữ giới, thì đó là lạc đạo, là ngoại đạo, là người trong đạo đi lạc ra ngoài đạo.
* Bây giờ thì sang vấn đề phân biệt đối xử. Tôi đã khẳng định với anh rằng đạo của tôi chủ trương phải phân biệt, để đối xử hợp tình và đúng lý. Tôi lý giải dài dòng lắm. Anh cứ uống cà phê và hút thuốc đi.
– Vì phân biệt đối xử, nên cha mẹ bắt con trai đi xúc cát, vác đá… lem luốc xấu xí như quỷ sứ. Trong khi đó con gái quét nhà…, lặt rau… lúc nào cũng mượt mà, điệu đà. Rất hợp tình và đúng lý. Con trai không cự nự. Con gái không vùng vằng.
a
– Vì VNPT phân biệt đối xử, nên cứ thấy công nhân nam ngồi vắt vẻo trên cột điện, giữa trời nắng đổ lửa. Da thì đen đúa. Mồ hôi thì chua lè. Trong khi đó nữ nhân viên thì ngồi trong phòng lạnh, gõ phím vi tính, đóng mộc trên con tem… khỏe ra. Lúc nào cũng tha thướt. Lúc nào cũng thơm phưng phức. Chẳng ai chống đối. Chẳng ai đòi cào bằng công tác giữa nam và nữ.
– Vì nhà nước phân biệt đối xử, nên trên thao trường đổ lửa và trên chiến trường loang máu chỉ thấy đàn ông con trai. Trùng trùng điệp điệp. Trong khi ấy người nữ ở hậu phương vẫn yểu điệu, vẫn duyên dáng, vẫn tỉa tót… Loài người vẫn đồng ý. Lịch sử vẫn đồng thuận. Không ai đòi cào bằng.
– Vì Tạo Hóa phân biệt đối xử, nên chỉ có đàn bà mang bầu, sanh con và cho con bú. Đàn ông thì cứ ngơ ngơ, chẳng biết gì những việc ấy. Thương vợ ột ệt, nếu đàn ông muốn chia sẻ công tác mang bầu với vợ, thì Trời cũng chẳng cho. Đành đi cày sâu cuốc bẫm, dầm mưa dãi nắng và dâng mồ hôi nước mắt cho “xương của tôi và thịt của tôi”. Lịch sử hai triệu năm của loài người vẫn thành hình như thế. Rất êm ả. Đàn bà không chống đối. Đàn ông không đòi đổi công tác.
Tôi nói lòng vòng như vậy đó. Anh chịu chưa?
– Chưa. Anh đánh trống lảng sang chuyện khác rồi. Vấn đề là “Tại sao không có nữ linh mục?”, mà anh không hề đá động tới.
– Có đá rồi, nhưng chưa động tới thôi. Bây giờ thì…
a
1. Từ xưa tới nay chưa có nữ linh mục. Tại sao?
– Có người bảo rằng vì Đức Giêsu tuyển chọn 12 người đàn ông làm Tông đồ. Còn người nữ chỉ tháp tùng đoàn truyền giáo thôi.
Quả thật Đức Giêsu đã tuyển chọn đoàn Tông đồ toàn là đàn ông. Nhưng Người không hề bảo rằng đàn bà không được làm Tông đồ. Cũng như Người chỉ chọn 12 Tông đồ. Con số 12 dường như có một ý nghĩa quan trọng lắm, nên sau khi đoàn chỉ còn 11 vị, thì Thánh Phêrô yêu cầu bổ sung cho đủ 12. Nhưng không phải vì thế mà Giáo Hội không được phép có hơn 12 giám mục.
Đức Giêsu tuyên bố ơn gọi của Người là đi loan báo Tin Mừng. Suốt đời truyền giáo, Người “đi” chứ không “ở”. Nhưng không phải vì thế mà ngày nay ta không được xây nhà thờ, chủng viện và nhà xứ.
2. Hiện nay đang có một số người đòi hỏi phải có nữ linh mục. Họ còn đấu tranh và cho rằng nếu không cho người nữ làm linh mục thì Giáo Hội kỳ thị nữ giới và đi ngược với phong trào đòi “nam nữ bình quyền”.
Theo ý kiến của tôi, thì vấn đề không phải là “người nữ không được làm linh mục” mà là “người nữ có nên làm linh mục hay không?. Hoặc “chức năng linh mục có phù hợp với phụ nữ hay không?”.
a
Hiến Chương Quốc Tế Nhân Quyền cũng như Hiến Pháp Việt Nam không hề cấm nam giới làm giáo viên mẫu giáo mầm non. Nhưng trong thực tế chẳng có giáo viên tu mi nào muốn làm nghề ấy. Không phải vì họ không “được làm” mà vì họ sợ không thể “làm được”.
Xin đơn cử một ví dụ: anh là nữ linh mục. Vào đúng 24 giờ: trời tối om om; mưa rơi lất phất; đường làng vắng hoe. Có một cú điện thoại: “Mời mẹ sở đi kẻ liệt gấp. Ông Mỗ đang hấp hối. Xe ôm đang chờ mẹ ở cổng nhà xứ…”. Tôi hỏi thiệt anh, nếu anh là nữ linh mục, anh có dám xách đồ đi ngay không? Nếu anh không đi ngay, thì anh có thi hành chức năng linh mục không?
3. Trong tương lai, có thể có nữ linh mục không? Hãy để tương lai trả lời. Nhưng vẫn phải trung thành với nguyên tắc: “Phải phân biệt để biết đối xử cho hợp tình và đúng lý” và “không được kỳ thị nữ giới cũng như nam giới”. Con người là mẫu số chung, là căn bản. Còn nam hay nữ, màu da hay tiếng nói chỉ là chuyện phụ. Tất cả chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô.
Tạp bút của Lm. Piô Ngô Phúc hậu

“Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng.” (Tm 6,17).

“Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.” (Tx 5: 16-18)
“Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.” (Rm 12,12)
“Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” (Lc 6, 37)
“Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” (Lc 6,35)
“Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em.” (Mt 6-14)
“Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5,9)
“Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô.” (Êp 4,32)
“Ngày gặp may mắn, hãy cứ vui hưởng. Ngày bị rủi ro, hãy gẫm mà xem: Ngày nào cũng do Thiên Chúa làm nên, vì thế con người không thể khám phá những gì sẽ xảy ra sau khi mình nhắm mắt xuôi tay.” (Gv 7,14)
“Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.” (Tv 144,17)
“Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi. Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi. Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta.” (Is 41,10)
“Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh em: hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em, trong miền đất của anh em.” Đnl (15,11)
“Thân phụ người công chính sẽ mừng vui, đấng sinh thành người khôn sẽ hoan hỷ. (Cn 23,24)
“Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh.” (Cn 4,23)
“Vì những ai sống theo sự thật thì sẽ thành công trong sự nghiệp của mình. Con hãy dùng của cải bố thí cho tất cả những ai thực thi công chính, và khi bố thí, mắt con đừng có so đo. Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ.” (Tb 4: 6-7)
Gia Đình Công Giáo Tân Tòng Ấn Tượng Nhất Việt Nam

Gia đình Công Giáo đạo gốc lâu năm có nhiều người con đi tu làm Linh mục và Tu sỹ đã rất là độc đáo và là chuyện rất dễ hiểu.
Ấy vậy mà có gia đình tân tòng, mới theo Đạo cũng độc đáo không kém, cũng bằng chị bằng em, thậm chí hơn nhiều chị nhiều em.
Gia đình đó đã gây ngỡ ngàng sửng sốt cho rất nhiều người.
Đó là gia đình Tân Linh mục Giuse M. Lê Văn Đông OCD, thuộc Giáo xứ Lang Minh- Giáo phận Xuân Lộc thuộc xã Lang Minh- huyện Xuân Lộc- Tỉnh Đồng Nai.
Vì gia đình đó tuy tân tòng, tuy mới theo Đạo nhưng lại quá ấn tượng là vì có:
Người con thứ nhất chính là Tân Linh mục Giuse M. Lê Văn Đông. Ngài vừa mới lãnh nhận chức Linh mục hôm 05/06/2018 tại Philippines. Thánh Lễ Tạ ơn của Ngài sẽ diễn ra lúc 9h Thứ Ba ngày 12.06.2018 tại Thánh đường Giáo xứ Lang Minh.
Người con thứ hai là một nữ tu dòng kín đã khấn trọn đời tại Fatima Bình Triệu, chính là sơ Anh Phương.
Người con thứ ba tên Huy đang là chủng sinh khóa XI Đại Chủng Viện Xuân Lộc
Người con thứ tư tên Hưng cũng là chủng sinh khóa XI Đại Chủng Viện Xuân Lộc.
Người con thứ năm đang là dự tu.
Cả nhà có 5 người con đều đi tu cả 5.
Thật quá sức tuyệt vời ! Thật quá sức tưởng tượng !
Việc Chúa làm, vượt quá trí tưởng tượng của con người.
Thật hiếm có, thật khó tìm.
Đó chính là gia đình ông bà cố Antôn Lê Văn Nam và Têrêsa Nguyễn Thị Hiển.
Gia đình đó là niềm ngưỡng mộ và khao khát cho biết bao gia đình Công giáo đạo gốc lâu năm.
Chúa không bao giờ phân biệt kẻ mới, người cũ.
Ngài không bao giờ thiên vị bất cứ ai, bất cứ gia đình nào.
Bất cứ ai thành tâm mở lòng ra đón nhận Ngài và thực hành Đức công chính thì sẽ được Ngài sẵn sàng dang tay đón nhận.
Ta hãy Tạ ơn Hồng Ân vô cùng dồi dào, hết sức ấn tượng và rất mực dịu ngọt của Chúa.
Biết lấy gì cảm mến, biết lấy chi báo đền hồng ân Chúa cao vời, Chúa đã làm cho con.
Thương con từ ngàn xưa, một tình yêu chan chứa. Và chọn con đi làm đuốc sáng chiếu soi trần gian.
Cho con say tình mến và này con xin đến. Một đời trung trinh làm muối đất ướp cho mặn đời.
Xin Chúc mừng Ông Bà cố và Tân Linh mục Fr Dong Le.
Nguyện xin Chúa chúc lành cho gia đình và chăm sóc nuôi dưỡng cho các con của Ông Bà cố đã và đang trên đường dâng hiến luôn thuộc trọn về Ngài.
Giuse Kích
( Chúng ta cùng nhau chia sẻ niềm vui quá ấn tượng này cho nhiều người được biết và học hỏi. Và xin luôn nhớ cầu cho nhau.)

Là một nữ tu duyên dáng và tài giỏi, sơ được nhiều người quý mến. Trong hành trình dâng hiến, sơ luôn bám vào Thiên Chúa để lấy sức mạnh chống lại những cám dỗ đời thường. Nhưng không vì thế mà đời tu trì của sơ luôn thuận buồm xuôi gió. Có lần sơ chia sẻ: “Trong sơ luôn có những giằng co về đời tu và đời sống gia đình.” Dĩ nhiên sơ luôn dành cho Thiên Chúa tình yêu đủ lớn, nhưng tình cảm nam nữ cũng khiến sơ xuyến xao.
Không ít lần sơ nhận được những lời tỏ tình dễ thương, kể cả những lời đùa cợt, hoặc những lần chính sơ cũng rung động trước một đối tượng nào đó. Sơ thừa nhận với Chúa rằng đó thực sự là gánh nặng của một người nữ tu. Sơ cầu nguyện rất nhiều. Sơ bám vào đời sống cộng đoàn và chạy đến với những người có thể giúp sơ. Đúng là những chuyện tình cảm giữa người nam và người nữ luôn có sức hút mãnh liệt khiến sơ nhiều khi mệt nhoài. Tạ ơn Thiên Chúa đã đặt để trong mỗi con người bản năng yêu thương và cần được thương yêu. Chính món quà giới tính mà người nam và người nữ có thể đến được với nhau và nên nghĩa vợ chồng.
Nữ tu mặc áo cưới bước vào đời sống nhà Dòng
Khi đi tu, bản năng ấy dĩ nhiên không tự dưng biến mất, nhưng vẫn nằm ngay trong tâm trí người tu sĩ. Do đó sơ đừng hoang mang vì những cảm xúc rung động ấy. Có linh mục nói vui rằng bản năng ấy chỉ mất đi sau khi chúng ta chết được 5 phút! Tuy vậy khi bước vào đời tu, Giáo Hội và nhà Dòng có nhiều phương cách để giúp cho người tu sĩ vượt qua được những khó khăn ấy. Có người hạnh phúc chấp nhận đánh đổi để bản năng ấy biến thành tình yêu Thiên Chúa và dành cho mọi người.
Có người không phù hợp với những đòi hỏi về độc thân khiết tịnh trong đời tu. Họ chuyển hướng để xây dựng tổ ấm uyên ương. Điều khó là sơ cảm thấy mình đang đứng giữa ngã ba của hai dòng cảm xúc. Những hấp dẫn của tình yêu đôi lứa dường như không đủ sức để sơ từ bỏ đời tu. Bởi đó sơ vẫn dấn thân mỗi ngày trước lời gọi của Thầy Giêsu. Tuy nhiên, sơ thừa nhận rằng trái tim của mình chưa thực sự dành trọn cho Thiên Chúa, vì còn những rung động tự nhiên ấy. Khả năng làm mẹ chỗi dậy nơi một người nữ tu như sơ, nhu cầu yêu và được yêu trỗi lên trong sơ. Một cảm giác thật là lạ. Sau những lần ấy, sơ nhận ra đó chỉ là thử thách vốn có trên con đường bước theo Giêsu trong đời sống tu trì.
Sơ thân mến,
Sơ ơi, tôi yêu em!
Nhiều người nói vui rằng Thiên Chúa thường chọn người đẹp, dễ thương để bước vào đời tu. Lời ấy phần nào đúng bởi tu sĩ được huấn luyện để phục vụ Thiên Chúa nơi tha nhân. Họ cần nhiều hành trang để mang Tin Mừng đến với tha nhân và cảm hóa người ta. Theo đó họ được học hành, tu sửa mình để phù hợp với con đường của Chúa. Rồi trong hành trình này, Thiên Chúa cũng có cách để hướng dẫn và trợ giúp người tu sĩ vượt qua những cám dỗ cuộc đời. Nhất là chuyện tình cảm nam nữ, có khi mạnh đến nỗi ta chẳng thể vượt qua, nhưng tình yêu dành cho Thiên Chúa lại trở nên một điểm tựa tuyệt vời để người tu sĩ bước tiếp. Sẽ là ảo tưởng nếu nói rằng người tu sĩ không còn rung động tình cảm với một người khác giới! Có chăng rung động ấy đến vội, và hy vọng họ biết cách để nó cũng nhanh chóng phai nhòa. Bởi một khi bám vào lời gọi của Chúa, yêu mến Chúa thật nhiều, thì những thứ kia tự nhiên trở nên nhẹ nhàng hơn.
Là tu sĩ trẻ, tôi hiểu chuyện tình cảm ấy khiến người tu sĩ vất vả để đương đầu. Có lần vị linh hướng chia sẻ rằng thay vì cứ chú tâm vào những cám dỗ, những rung động tình cảm ấy, thật hữu ích để tập trung vào những điều cao quý hơn. Nghĩa là, đời sống của người tu sĩ còn nhiều điều thú vị khác cần khám phá: cộng đoàn, sứ vụ, học tập, cầu nguyện, chia sẻ, v.v. Tôi tin những môi trường ấy có thể giúp cho người tu sĩ nhận ra những giá trị đích thực mà họ đang theo đuổi. Trong đó người tu sĩ sống hạnh phúc với những đòi hỏi độc thân vì Nước Trời. Bởi “những ai theo Chúa Giêsu sát hơn tất nhiên họ hiểu rằng Người phải được yêu mến với một trái tim không chia sẻ, và mình phải dâng hiến cho Người tất cả cuộc sống chứ không phải chỉ vài cử chỉ, vài mảnh thời gian hay vài công việc.” (Vita consecrata, số 104).
Em đi tu Anh nhé
Với câu chuyện của sơ, tôi đọc lại những lời thú vị của Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến: “Đời thánh hiến cần phải nêu lên cho thế giới ngày nay những gương sáng của những người nam và người nữ sống đức khiết tịnh mà vẫn quân bình, làm chủ được chính mình, có sáng kiến, trưởng thành tâm linh và tình cảm.” (số 88). Thách đố, nhưng cần thiết biết bao, sơ nhỉ! Đó là lý tưởng của một người tu sĩ tốt lành, là ước mơ của chính Thầy Giêsu. Dù khó khăn còn đó, nhưng hy vọng mỗi ngày sơ cũng như mỗi người tu sĩ tìm thấy niềm vui trong Chúa Giêsu. Để trong tâm thế đó, người tu sĩ có thể trân quý tình cảm nam nữ rất đỗi tự nhiên, nhưng họ lại có một mối tình khác mang tên Giêsu. Người tu sĩ biết mình thuộc về Giêsu, và sống với Giêsu. Được như thế, những lần rung động trước một ai đó, ước mong người tu sĩ vượt qua để bước tiếp.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho những nam, nữ tu sĩ. Dẫu cho đời tu còn nhiều thách đố, lắm gian nan và còn sức nặng của thập giá, nhưng chính ngọn lửa yêu mến đã thắp lên cho tu sĩ nguồn sáng của bình an và hạnh phúc trong đời sống hiến dâng.
Lạy Chúa Giêsu – người tình đặc biệt của người tu sĩ, xin tiếp tục thắp lên ngọn lửa tình của Ngài để nung nấu trái tim của những người sống đời hiến dâng. Nhờ đó, mỗi tu sĩ có thể luôn rạng ngời niềm vui, ngập tràn tình yêu vì được bén rễ sâu trong tình thương của Đấng họ đang bước theo. Nếu lúc nào đó tình yêu trong họ vơi đi, sức hấp dẫn của đời tu yếu dần, xin Chúa mau đến đến và ở lại trong trái tim họ. Kể cả những lúc chuyện tình cảm nam nữ bủa vây người tu sĩ, xin Chúa đến giúp họ biết đâu là ơn gọi đích thực để họ được hạnh phúc. Ước mong từ đó, các tu sĩ của Chúa được hồi sinh và tiếp tục yêu hết mình và tu hết tình.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ 


Hai anh em sinh đôi Giacomo và Davide Crespi đã luôn ở bên nhau, và ngày 25 tháng 5 năm 2019 vừa qua cũng không khác:
Cùng với ba người bạn trong cùng chủng viện, hai vị đã được Đức Cha Gianfranco Agostino Gardin, Giám Mục giáo phận Treviso, miền bắc nước Ý, phong chức linh mục.
Trong thánh lễ phong chức cho 5 tân chức, Đức Cha Gianfranco Agostino Gardin nói ngài rất vui mừng vì giáo phận đã vượt qua được thời kỳ thiếu hụt ơn gọi.
Và còn vui mừng hơn trước biến cố hai anh em sinh đôi cùng được thụ phong linh mục. Ngài gọi đó là một “chuyện lạ bốn phương”, một chuyện hết sức hi hữu lần đầu tiên được chứng kiến trong đời.
Trong Thánh lễ mở tay tại giáo xứ nơi hai vị đã chào đời và được rửa tội tại đó, hai tân linh mục sinh đôi đã cùng đồng tế với nhau.
Giảng trong thánh lễ, cha Giacomo cảm ơn người anh em sinh đôi của mình rằng: “Cảm ơn anh Davide, bởi vì đối với em, anh là một người anh song sinh, người bạn đồng hành của em trên đường và là người bạn thật sự của em.
Chân phúc linh mục Pino Puglisi nói: ‘Chúa yêu chúng ta, nhưng luôn luôn thông qua một người nào đó’. Đặc biệt đối với em, anh là một trong những người đó.
Trong Thánh lễ đầu tiên của chúng ta, chúng ta hãy nhìn lên Chúa, đá tảng và hy vọng duy nhất.
Xin Ngài luôn sống trong anh, và ban cho anh đầy tràn sức mạnh”.
Giáo hội không thiếu Linh mục, nhưng luôn thiếu Linh mục thánh thiện, ta hãy luôn nhớ cầu cho Giáo hội có thật nhiều Linh mục thánh thiện để Danh Cha được cả sáng, Nước Cha được trị đến. Amen.

Một cầu thủ 26 tuổi thời danh, bỏ tất cả để đi tu làm linh mục. Thật là một chuyện ngược đời đối với nhiều người.
Khi còn là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp tại Chile, Chase Hilgenbrinck thường tìm kiếm sự thư thái tại các nhà thờ. Tại đây, Chase tìm thấy sự thỏa mãn trong tinh thần và nhớ về thời thơ ấu thường tới nhà thời cầu nguyện mỗi chủ nhật ở quê nhà. Thậm chí, sau khi trở lại Mỹ vào năm 2007 để chơi giải Bóng Đá Nhà Nghề Mỹ (MLS) mơ ước, Hilgenbrinck luôn cảm thấy sự thôi thúc tôn giáo trong mình.

Chia sẻ ơn gọi mình, Cha Chase Hilgenbrinck cho biết đang “tìm tiến tới một điều gì đó vĩ đại hơn”; ”Sau nhiều năm phân tích, tôi cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng Thiên Chúa đã gọi tôi để trở thành Linh mục trong Hội Thánh Công giáo. Chơi bóng đá là đam mê của tôi từ lâu và tôi cảm thấy được chúc phúc vì đã thực hiện trọn vẹn ước mơ này của mình. Đam mê của tôi bây giờ là làm theo ý của Thiên Chúa”; và quyết định từ bỏ danh vọng, tiền bạc đến với Chúa là “chỉ là chuyện giữa tôi với Thiên Chúa”, không không do ảnh hưởng hoặc ý kiến của bất kỳ ai.
Hậu vệ 26 tuổi giải nghệ vào ngày 14/7/2008 để tới nhà thờ St. Marym tại Emmitsburg, Maryland, Mỹ. Tháng 5/2014, Chase được phong làm linh mục.
ST
Copyright © - Giáo Xứ Hòa Bình